Công tác phát triển Đông y ở An Giang đã huy động được nguồn lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, các thành phần xã hội, tôn giáo cùng tham gia góp sức thực hiện chủ trương phát triển Đông y của Trung ương, của Tỉnh ủy.
Đồng chí Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, với đặc điểm của tỉnh là có nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo cùng chăm lo đời sống người dân, thích hành thiện nên công tác phát triển Đông y của tỉnh đã có bước phát triển quan trọng.
Số lượng cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền ngày càng tăng, mạng lưới Hội Đông y bao phủ 100% huyện, thị, thành phố và phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, 30% khóm, ấp có chi Hội. Nhiều bài thuốc, cây thuốc quý được các trường, viện nghiên cứu đánh giá có hiệu quả cao trong điều trị. Đội ngũ cán bộ chuyên môn được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Chất lượng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngày càng được nâng cao. Thực hiện hiệu quả việc kế thừa, phát huy, phát triển y dược học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại. Lòng tin của người dân đối với Đông y ngày càng được củng cố, duy trì và phát triển. Hội Đông y tỉnh An Giang vinh dự được Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 15 năm triển khai và thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.
|
Các phòng chẩn trị Đông y ở An Giang luôn đảm bảo dược liệu phục vụ miễn phí cho người dân (Ảnh: baoangiang)
|
Thầy thuốc nhân dân. PGS. TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam đánh giá, nhiều thập niên qua, Hội Đông y tỉnh An Giang là một trong những tổ chức Hội xuất sắc, đạt nhiều kết quả quan trọng trong khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho người dân theo chủ trương Đông - Tây y kết hợp, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là công tác khám, chữa bệnh từ thiện với phương châm “Thầy tại chỗ, thuốc tại nhà”.
Theo đồng chí Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, nhu cầu khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền của Nhân dân trong tỉnh ngày càng nhiều nhưng nguồn nhân lực trẻ có chuyên môn cao còn hạn chế, ít cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu; công tác nghiên cứu khoa học trong y học cổ truyền chưa nhiều; việc nuôi trồng dược liệu còn tự phát, phân tán, chưa tập trung, chưa đảm bảo nhu cầu điều trị, còn nhiều cây thuốc cần được nghiên cứu đánh giá hiệu lực điều trị.
Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức trên, UBND tỉnh An Giang xác định sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nền Đông y. Hội Đông y tỉnh cần tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội, sự quan tâm của các cấp, các ngành, tăng cường mối quan hệ tương trợ với các tổ chức Hội ở các địa phương, phát huy sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, hội viên Hội Đông y các cấp để hoàn thành tốt hơn nữa vai trò thầy thuốc Đông y của dân và của tổ chức xã hội nghề nghiệp được Đảng, Chính phủ quan tâm hỗ trợ phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân./.
Theo Phương Liên - Trường Giang (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ An Giang)