Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta đã chứng minh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là một thành quả to lớn của nền y học nước nhà, trong đó có vai trò quan trọng của nền Đông y Việt Nam.
|
Lễ kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Hội Đông y Việt Nam. |
Sáng 18/8, tại Hà Nội, Hội Đông y Việt Nam tổ chức kỷ niệm chào mừng 77 năm Ngày thành lập Hội Đông y Việt Nam (22/8/1946 - 22/8/2023).
Theo Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, Thầy thuốc Nhân Dân, PGS, TS Đậu Xuân Cảnh, việc Hội Đông y Việt Nam ra đời là thành quả của sự Lãnh đạo của Đảng và Nhà nước với nền Đông y của nước nhà; chứng tỏ nền Đông y Việt Nam có tiềm lực và đủ sức gánh vác một phần sứ mệnh lịch sử chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong 77 năm qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định về phát triển Đông y. Thực tiễn phát triển nền Đông y Việt Nam trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Nhà nước là nhân tố hàng đầu quyết định lập nên nhiều thành quả của nền Đông y Việt Nam.
Đến nay, tổ chức Hội được tổ thành 4 cấp (Trung ương; tỉnh, thành phố; quận, huyện; xã, phường); hệ thống khám chữa bệnh bằng đông y phát triển rộng khắp mọi vùng miền trong cả nước, với gần 70 nghìn hội viên; hơn 10 nghìn phòng chẩn trị và trung tâm Đông y của các cấp Hội và hội viên.
Tại các địa phương, đơn vị, có sự kết hợp chặt chẽ giữa Đông y với Tây y; giữa Quân dân y và lực lượng Công an nhân dân trong khám chữa bệnh, thực hiện được các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở mọi miền tổ quốc, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Các ông lang, bà mế hàng ngày sinh sống cùng bà con nhân dân ở các bản làng đã phát huy thế mạnh của mình để chữa bệnh cho nhân dân với phương châm “Thầy tại chỗ thuốc tại nhà”.
Về chuyên môn, tay nghề của cán bộ hội viên ngày càng được nâng cao; số hội viên có bằng cấp và tay nghề cao như: giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ đã chiếm một tỷ lệ lớn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của nhân dân.
Công tác bồi dưỡng, đào tạo tăng cả số lượng và chất lượng, bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ chuyên môn Đông y từ trung ương đến cơ sở. Công tác kế thừa đã thu được nhiều kết quả, đã gắn kết chặt chẽ giữa thừa kế với nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Đông y đã có những đóng góp quan trọng trong chiến thắng đại dịch Covid-19 trong thời gian qua.
Hiện nay, toàn ngành Đông y Việt Nam đang ra sức phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó về nâng cao năng năng lực khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là ở tuyến y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời tham gia giải quyết các bệnh dịch mới nổi, phức tạp và bệnh không lây nhiễm.
Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho hội viên về công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành dược, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, các quy chuẩn quốc tế trong nuôi trồng dược liệu; thúc đẩy tham gia phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như phát triển nuôi trồng dược liệu, sản phẩm du lịch sức khỏe cũng như làm tốt nhiệm vụ là thành viên của mặt trận tổ quốc Việt Nam…
Nhân dịp 77 năm thành lập, Hội Đông y Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp Đông-Tây y trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh da liễu thường gặp. Bệnh da liễu là những chứng bệnh ảnh hưởng trực tiếp lên bề mặt da. Mặc dù có thể không gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng nhưng lại có các tác động vào bề mặt da, gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp; khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống sinh hoạt hằng ngày... Đặc điểm chung của các bệnh ngoài da thường gặp là da bị dị ứng, nhiễm khuẩn, mẩn đỏ, phát ban, ngứa, biến dạng màu da...
Tại hội thảo các báo cáo của các chuyên gia đầu ngành y học hiện đại cũng như y học cổ truyền đã cập nhật kiến thức mới nhất trong sinh lý bệnh cũng như chẩn đoán và điều trị bệnh lý da liễu thường gặp. Từ đó, giúp cho cán bộ, hội viên hệ thống lại kiến thức, kinh nghiệm, nhằm nâng cao năng lực tiếp cận chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân mắc bệnh về da liễu.
Minh Hoàng
Nguồn: BaoNhanDan.vn