PGS.TS Đậu Xuân Cảnh: Tâm huyết xây dựng, phát triển ngành Y dược học cổ truyền Việt Nam

26/09/2024 78 lượt xem
A A- A+

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh – nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam là một trong những thầy thuốc, nhà quản lý và nhà khoa học mẫu mực, tâm huyết của ngành y tế. Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng, ý nghĩa với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y dược học cổ truyền. Từ đây, PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh vinh dự là 1 trong 135 trí thức cả nước được Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam tôn vinh là "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024".

TTND.PGS.TS Đậu Xuân Cảnh – Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam

Được biết, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh sinh năm 1960 tại quê hương Nghi Xuân, Hà Tĩnh – nơi giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và hiếu học của cả nước. Suốt chiều dài sự nghiệp đã qua, ông từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng như: Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam và hiện nay là Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam. Chặng đường gắn bó làm việc, nghiên cứu và cống hiến cho lĩnh vực y học cổ truyền đến với PGS. Cảnh thật tự nhiên như hai chữ “Duyên phận” cuộc đời. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp đại học y khoa, chàng sinh viên Đậu Xuân Cảnh nhận công tác tại Khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Với nhiều đóng góp quan trọng trong suốt quá trình làm việc được ghi nhận,  năm 1997, ông đã vinh dự được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Y học Dân tộc (sau đổi thành Bệnh viện Y học Cổ truyền) Quảng Nam. Đến năm 2006, Bộ Y tế đã điều động ông từ vai trò Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam sang Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam giữ cương vị Phó Giám đốc thường trực của Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Bệnh viện thực hành trực thuộc Học viện). Năm 2011, ông được bổ nhiệm giữ hàm Vụ phó Vụ Khoa giáo - Văn xã thuộc Văn phòng Chính phủ. Đến năm 2015, ông được bổ nhiệm Phó Giám đốc, phụ trách điều hành Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam. Năm 2016, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh chính thức được bổ nhiệm Giám đốc Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam. Sau khi nghỉ công tác quản lý năm 2020, với uy tín, bề dày kinh nghiệm và y đức của mình, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh  được Đại hội Hội Đông y Việt Nam bầu giữ cương vị Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tháng 8/ 2024, Hội Đông y Việt Nam phối hợp cùng Viện Phát triển văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng tổ chức “Hội nghị khoa học toàn quốc Kết hợp Đông - Tây y trong chẩn đoán, điều trị Bệnh trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh tiêu hóa khác” nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Là một trong những thầy thuốc, chuyên gia đầu ngành cả nước về y học cổ truyền, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh luôn đau đáu, trăn trở nỗi niềm trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về dược liệu. Theo ông, những sản phẩm từ dược liệu cũng như nền Đông Y của đất nước sẽ được cả thế giới biết đến và đón nhận, để từ đó Việt Nam sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu dược liệu lớn của thế giới. Theo ước tính, đến nay Việt Nam đã xác định được hơn 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch mà thế giới đã biết. So với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới thì số loài cây thuốc Việt Nam chiếm tới khoảng 11%.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh nhận định, đất nước ta có những điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho dược liệu mà không phải quốc gia nào cũng có được. Từ dược liệu ngắn ngày (chỉ 3 – 4 tháng 1 vụ như hoa cúc, cà gai leo…) đến dược liệu 1 năm 1 vụ như hoài sơn…, rồi đến nhóm khoảng 3 – 5 năm mới bắt đầu có hoạt chất có giá trị như ba kích, đinh lăng (trung bình khoảng 3 năm), sâm (khoảng 5 năm) hay như cây quế trên hàng chục năm mới cho thu hoạch. Đặc biệt, cả 4 loại dược liệu quý (được gọi là tứ đại danh dược) sâm – nhung – quế - phụ thì Việt Nam đều có. Theo ông, tất cả các yếu tố về thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình của nước ta đều rất ưu đãi. Trong khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang nóng thì Sapa, Đà Lạt đã lạnh. Thế nên có những loại dược liệu có thể trồng được quanh năm. Khi miền Bắc thu hoạch thì một số vùng trong Nam lại có thể bắt đầu trồng. Rõ ràng, Việt Nam có ưu thế rất lớn về đa dạng sinh học, về dược liệu và đó là điểm mạnh mà chúng ta cần phát huy.

Nhìn nhận về triển vọng phát triển của ngành dược liệu Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh chia sẻ, hiện giờ con người sống trên thế giới đều quan tâm đến hai việc, một là sức khỏe, hai là thẩm mỹ. Đông y – hay rộng hơn là các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên được đặc biệt ưa chuộng vì hiệu quả cao trong điều trị bệnh lại lành tính, ít hoặc hầu như không có tác dụng phụ. Xu hướng hiện nay của thế giới là quay về sử dụng các dược liệu thiên nhiên. Đối với sức khỏe, Đông y có ưu thế rất lớn trong việc điều trị các bệnh mạn tính (bệnh không lây nhiễm). Chẳng hạn như nhóm các bệnh về cơ xương khớp khi sử dụng Tây y trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới dạ dày, giảm bạch cầu… nhưng dùng thuốc thảo dược, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu cũng mang lại hiệu quả mà không có tác dụng phụ. Hay như mất ngủ dùng thuốc ngủ sẽ khiến người mệt mỏi trong khi các phương pháp Đông y giúp an thần, mang lại giấc ngủ ngon và sâu, hôm sau vẫn có thể đi làm bình thường. Ngay trong thời kỳ đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến cả nước, Đông y cũng tham gia rất hiệu quả, đặc biệt điều trị các rối loạn về sức khoẻ của chứng Hậu COVID-19. Về góc độ thẩm mỹ, PGS. Cảnh cho biết, Đông y có nguyên tắc: “Đẹp hình hài là công năng của huyết. Mạnh hình hài là công năng của khí”. Thuốc bổ huyết làm cho huyết đầy đủ, huyết mát, huyết lưu thông, làm cho khí huyết đầy đủ thì người sẽ hồng hào, đẹp tự nhiên. Vậy là vừa làm đẹp, vừa tốt cho sức khỏe. Đề cập sâu hơn về triển vọng của ngành dược liệu, ông nhấn mạnh rằng, chúng ta không nên nghĩ dược liệu theo nghĩa hẹp, chỉ dùng để chữa bệnh mà cây dược liệu có rất nhiều công dụng. Ví dụ như cây hoài sơn (củ mài) dùng làm thuốc (bổ thận, bổ tỳ, tiêu hóa, suy nhược) thì đã đành nhưng cấu trúc của nó là một loại củ rất giàu tinh bột, lên đến 62% mà không nhiều loại cây có được thành phần tinh bột cao như thế. Vậy, có thể dùng hoài sơn để sản xuất tinh bột. Rồi trong công nghiệp, dùng hoài sơn để sản xuất ra ethanol nguyên liệu… Hay rất nhiều loại cây dược liệu có thể trở thành những sản phẩm làm đẹp như mặt nạ từ nghệ, gấc… Từ những dữ liệu thông tin chi tiết trên, chúng ta sẽ thấy rằng, dư địa và tiềm năng phát triển của ngành dược liệu là vô cùng lớn.

Hiện nay, theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh thì người dân tại các vùng miền đã bắt đầu phát huy thế mạnh trồng dược liệu và bắt đầu trồng dược liệu theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều hạn chế như việc chưa kết nối tốt được giữa nơi trồng dược liệu nguyên liệu với nơi sản xuất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; giữa người trồng với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa đủ mạnh để tạo thành một tổng thể đa dạng hóa thị trường và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; chưa tạo được thị trường dược liệu mạnh mẽ bảo đảm đầy đủ thông tin và lợi ích của tất cả các bên tham gia, như người nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng… Để giải bài toán kết nối được nơi sản xuất với nơi trồng dược liệu, ông đề xuất ý kiến cần để cơ quan quản lý nhà nước phải yêu cầu doanh nghiệp ghi rõ xuất xứ của nguyên liệu, đặc biệt về dược liệu khi sản xuất hàng hoá, từ đó doanh nghiệp sẽ phải xây dựng cơ chế đặt hàng, phải tuân thủ theo pháp luật, theo hợp đồng. Các doanh nghiệp sẽ đảm bảo đầu ra, sau đó đặt hàng với nông dân, các hợp tác xã…trên nguyên tắc mà như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói là “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.  Bên cạnh đó, chúng ta phải có một hệ thống nhà máy để bào chế dược liệu; hệ thống kho nguyên liệu tốt bảo đảm lưu giữ nguyên liệu từ dược liệu để chống lại việc được mùa nhưng bị ép giá thấp. Trong xu hướng thương mại toàn cầu, chúng ta phải cố gắng chủ động trên thị trường, phát huy điểm mạnh, triệt tiêu điểm khó. Trong thương mại hiện đại hiện nay, chúng ta cần hướng đến sự minh bạch, giá trị chứ không phải ép nhau, đưa nhau vào thế bí.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh chia sẻ thêm, để dược liệu Việt Nam không những phát triển mà còn phát triển bền vững, chúng ta cần triển khai tốt nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Đầu tiên là kết nối: Kết nối những người nuôi trồng, bào chế dược liệu lại với nhau nhằm phát huy thế mạnh từng tổ chức, cá nhân để tạo ra mạng lưới trồng dược liệu và tránh chồng chéo, nhiều người cùng trồng một loại dược liệu, một sản phẩm dẫn đến hiệu quả thấp. Theo PGS. Cảnh, không chỉ kết nối giữa người trồng với người sản xuất mà còn cần kết nối với nhà khoa học (các thầy thuốc, viện nghiên cứu…), nhà quản lý. Ví dụ một khía cạnh rất nhỏ đó là thẩm mỹ - làm đẹp cho phụ nữ đã là một thị trường tiêu thụ dược liệu rất lớn nhưng để có một sản phẩm kem nghệ bôi liền sẹo không chỉ có một thành phần nguyên liệu là nghệ mà còn cần những thành phần (vị) phối kết hợp khác để thành sản phẩm hoàn chỉnh nên cần nghiên cứu, bào chế. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp dược liệu cũng cần gắn kết với nhau, giúp nhau cùng phát triển. Muốn đi xa phải đi cùng nhau. Chúng ta không thể có doanh nghiệp dược lớn chừng nào mỗi đơn vị chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh. Thứ hai là công nghệ: Thúc đẩy hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, cùng với đó là việc áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao. Hàn Quốc nổi tiếng với sâm. Nhưng họ không chỉ có sâm trồng lấy củ mà còn có vô số sản phẩm như kẹo sâm, trà sâm; kem đánh răng, dầu gội đầu có thành phần sâm… Hàn Quốc đưa sâm của họ vào mọi sinh hoạt đời sống. Trong khi cây nghệ của chúng ta có chất curcumin rất tốt nhưng toàn bán thô, bán thô thì giá trị không cao. Nghệ phải gắn với các vị dược liệu khác để bào chế ra thuốc chữa lành vết thương, gắn với mặt nạ đắp mặt, kem chống nắng… Hay quả gấc phục vụ cho làm đẹp rất tốt. Tóm lại, muốn nâng giá trị dược liệu, muốn không bị ép giá, muốn nắm quyền chủ động thì phải có công nghệ đi cùng. Cuối cùng là chính sách:  Hiểu rõ giá trị của dược liệu, với giá trị gia tăng đặc biệt của dược liệu với nghề Đông y “mua yến bán tiểu ly” (chỉ việc mua cả yến nguyên liệu dược nhưng khi bán thuốc thì hàm lượng rất nhỏ dùng cân tiểu ly), cũng như tiềm năng to lớn dược liệu của Quốc gia, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam đưa ra rất nhiều chủ trương, chính sách cùng kỳ vọng của lãnh đạo Nhà nước. Nhưng để dược liệu Việt Nam phát triển cần nhiều hơn sự vào cuộc của liên ngành, liên bộ (Bộ Nông nghiệp; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công thương…). Tuy nhiên, hiện tại thì nhiều Hiệp định thỏa thuận hợp tác, thương mại với các nước chúng ta chưa có nội dung về Đông y Việt Nam và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm từ dược liệu…được các nước công nhận và cấp phép lưu hành các sản phẩm này tại đất nước họ; Hay việc cấp phép lưu hành cho nhiều sản phẩm thuốc từ dược liệu chưa thực sự thông thoáng, khoa học…cùng làm hạn chế sự phát triển ngành dược liệu nước nhà. Tâm huyết với ngành y học cổ truyền nước nhà, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh luôn mong mỏi trong tương lai không xa, dược liệu Việt Nam sẽ được phát triển đúng với tiềm năng vốn có, nhằm bảo đảm cung ứng đa dạng các loại thuốc chữa bệnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và xuất khẩu; từ đây đất nước ta sẽ trở thành “cường quốc dược liệu” của thế giới.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh (hàng trên cùng, thứ 2 từ trái qua) vinh dự được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng danh hiệu “Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu” năm 2024.

Với những dấu ấn đóng góp, cống hiến đáng trân trọng cho ngành y tế nước nhà, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Năm 2021, ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân; Huân chương Lao động hạng Ba…Đặc biệt, tháng 8 năm 2024 vừa qua, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh là một trong 135 trí thức, nhà quản lý, nhà khoa học tiêu biểu trên khắp cả nước được Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam tôn vinh là “Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024”.

Tiến Đức

Nguồn: Vietnamhoinhap.vn 

 

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Hội nghị tổng kết hoạt động cụm thi đua của các Tổ chức thành viên trong lĩnh vực Pháp luật – Y tế – Môi trường năm 2024 đã được diễn ra. Căn cứ Báo cáo kết quả hoạt động của các đơn vị thành viên năm 2024, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, với vai trò là Cụm trưởng đã tổng hợp kết quả hoạt động của các đơn vị thành viên.
13/12/2024
Bộ máy Hội từ tổ chức 05 phòng, ban sắp xếp lại còn 02 phòng ban theo tinh thần Nghị quyết số18 -NQ/TW
12/12/2024
Ban Tổ chức kính mời Đại biểu đại diện Hội Đông y các tỉnh, thành phố và các Chi Hội Đông y trực thuộc, tham dự Hội nghị khoa học "Đông - Tây y kết hợp chủ động phòng chống Đột quỵ não và phục hồi chức năng sớm" và Hội nghị Ban chấp hành, tổng kết công tác năm 2024. Đại biểu tham dự có nhu cầu cấp Chứng nhận Cập nhập kiến thức y khoa liên tục (CME) xin vui lòng điền và xác nhận thông tin theo mã QR code (đính kèm phía dưới)
10/12/2024
Ngày 07/12/2024, tại huyện Yên Mỹ - tỉnh Hưng Yên, Bộ Y tế (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam) tổ chức lễ dâng hương và báo cáo kết quả kế thừa di sản của Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì lễ dâng hương.
09/12/2024
Y học cổ truyền Việt Nam đã phát triển từ hàng nghìn năm, đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân, vì vậy cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc cổ phương trong đời sống hiện đại.
02/12/2024
Ngày 1/11, Trung ương Hội Đông y Việt Nam và Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam phối hợp thực hiện "Lễ ký kết Chương trình hợp tác giữa 2 đơn vị, giai đoạn 2024-2030. Với kỳ vọng vì Sức khỏe cộng đồng - Vì sự phát triển của nền Đông y Việt Nam.
01/11/2024
Hội Đông y Việt Nam thông báo tuyển sinh đào tạo thường xuyên, đặc thù truyền nghề lương y, lương dược cho Hội viện Hội Đông y Việt Nam
29/10/2024
Ngày 23/10, Hội Đông y tỉnh đã tổ chức Hội thảo “Đông tây y kết hợp trong điều trị thoái hóa khớp” với sự tham gia của gần 200 đại biểu.
24/10/2024
Sáng 28/8, Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024 đã được tổ chức Hà Nội. Trong đó, TTND. PGS. TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cùng 134 trí thức tiêu biểu được vinh danh tại Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.
28/08/2024
Sáng 20.8, tại Hà Nội, Hội Đông y Việt Nam kỷ niệm 78 năm (22/8/1946-22/8/2024) Ngày truyền thống Hội Đông y Việt Nam và tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai kết luận 86-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới.
20/08/2024
Số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan tới tiêu hóa, điển hình như trào ngược dạ dày thực quản, chướng bụng đầy hơi,…tại Việt Nam ngày càng tăng. Trước mức độ ảnh hưởng của căn bệnh trào ngược dạ dày thực quản tới người dân ngày càng lớn, Viện Phát triển văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng phối hợp cùng Hội Đông y Việt Nam đã tổ chức “Hội nghị khoa học toàn quốc Kết hợp Đông - Tây y trong chẩn đoán, điều trị Bệnh trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh tiêu hóa khác” nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.
09/08/2024
QC2
Đang online: 42
Tổng truy cập: 177.689
® Bản quyền thuộc về TW Hội Đông Y Việt Nam. Giấy phép số 164/GP-TTĐT do cục PTTH và TTĐT cấp