Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”, và để tưởng nhớ các Đại danh y của nước ta, trong 02 ngày là 23 và 24 tháng 02 năm 2024 ( tức ngày 14 và 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Trung ương Hội Đông y Việt Nam đã tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác và Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh tại Y Miếu Thăng Long, Lăng mộ Danh y tại xã Sơn Trung, Nhà thờ Lê Hữu Trác, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Tham dự lễ dâng hương Y Miếu Thăng Long có TTND. PGS. TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, trưởng đoàn; Thiếu tướng, TS. BS. Đỗ Thế Lộc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam; ThS. BS. Nguyễn Đình Thục, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Đông y Việt Nam; ThS. BS. Nguyễn Văn Dung, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam.
Một số hình ảnh Dâng hương tại Y Miếu Thăng Long
Tại Lễ dâng hương Đại Danh y tại Lăng mộ Danh y tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, TTND. PGS. TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam đã đọc văn tế tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, một tấm gương sáng về y đạo, y thuật cho các thế hệ thầy thuốc đời sau noi theo.
Một số hình ảnh Dâng hương tại Lăng mộ Danh y tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh
Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12/11 năm Canh Tý (tức ngày 11/12/1720) tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương). Từ năm 26 tuổi đến lúc mất, Đại danh y ở quê mẹ xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn), tỉnh Hà Tĩnh. Ông qua đời vào Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791), thọ 71 tuổi.
Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, danh giá với nhiều người đỗ đạt, Đại danh y Lê Hữu Trác nổi tiếng thông minh, học rộng, thơ hay. Suốt cả cuộc đời làm thuốc, ông đã có công sưu tầm, phát triển và bổ sung 305 vị thuốc Nam, thu thập, tổng hợp 2.854 phương thuốc hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian.
Đoàn công tác thăm vườn Dược liệu tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh
Sau hơn 40 năm miệt mài nghiên cứu và tận tụy chữa bệnh cứu người, Đại danh y đã để lại cho nền Y học Việt Nam một di sản quý giá, đặc biệt là bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” góp phần đào tạo, bồi dưỡng về y đức, y đạo, y thuật cho các thầy thuốc. Ông trở thành một bậc thiên tài kiệt xuất của nền y học cổ truyền Việt Nam và một nhà văn hóa lớn.
Trong thời gian tới, Trung ương Hội Đông y Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền nhất là phương pháp không dùng thuốc; tăng cường nghiên cứu các bài thuốc hay, cây thuốc quý… nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.