Chiều 28/10 đã ghi thêm một dấu ấn cho nỗ lực phát triển toàn diện của Bệnh viện Bạch Mai, khi các thầy thuốc của Bệnh viện triển khai công tác vận động hiến mô và bộ phận cơ thể người. Để rồi cùng với nghĩa cử cao đẹp của gia đình người hiến tạng, nguồn tạng từ người cho chết não, các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, các đơn vị liên quan, các bệnh viện bạn đã giúp hồi sinh nhiều cuộc đời mà sự sống tính theo ngày...
Các y bác sĩ, đại biểu tri ân người hiến tạng tại hội trường của Bệnh viện Bạch Mai chiều nay.
Nỗ lực cứu người đàn ông trẻ...
Trong chia sẻ với báo chí chiều nay, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã rất xúc động khi nói về nghĩa cử cao đẹp của gia đình người hiến tạng cũng như cuộc 'chuyển giao' sự sống của bệnh nhân cho các bệnh nhân khác...
"Đây là sự hy sinh vô cùng quý giá thể hiện lòng nhân ái để có thể đem lại phép màu cho những người bệnh đang chịu đau đớn, tuyệt vọng"- PGS Đào Xuân Cơ bày tỏ...
Theo đó, chiều tối ngày 16/10, người bệnh Lê Tiến S. (nam, sinh năm 1988) làm công nhân lái xe máy xúc, tiền sử khỏe mạnh, thấy đau đầu rất dữ dội, tê bì chân tay đã được đưa đi cấp cứu. Trên đường đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh đã mất ý thức, hôn mê, co giật chân tay và ngừng thở, ngừng tim.
Vào lúc 21 giờ 39 phút cùng ngày, người bệnh được đưa vào Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, ngừng tuần hoàn ngoại viện. Ngay lập tức, người bệnh được cấp cứu ngừng tuần hoàn tích cực. Sau cấp cứu, nhịp tim của người bệnh đập trở lại, tái lập được tuần hoàn tự nhiên nhưng vẫn hôn mê sâu.
Người bệnh được chuyển sang Trung tâm Đột quỵ và chụp MSCT mạch não, hội chẩn và chẩn đoán là Hôn mê, ngừng tuần hoàn ngoại viện do chảy máu dưới nhện lan tỏa mức độ nặng (Hunt Hess V) nghi ngờ do vỡ dị dạng mạch não.
Các thầy thuốc tri ân người đàn ông hiến tạng trong phòng mổ của Bệnh viện Bạch Mai ngày 26/10...
Hội đồng hội chẩn đa chuyên khoa quyết định chụp mạch số hóa xóa nền tìm căn nguyên chảy máu, phát hiện túi phình động mạch đốt sống phải vỡ. Người bệnh đã được can thiệp nút tắc túi phình cấp cứu bằng Coils. Sau can thiệp, người bệnh vẫn hôn mê sâu, sốt cao liên tục, không đáp ứng với điều trị, mặc dù được tiến hành hồi sức, chống phù não, kiểm soát điện giải, kiểm soát thân nhiệt bằng biện pháp tích cực.
Sau can thiệp, người bệnh được chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị tiếp với chẩn đoán: Hôn mê sau ngừng tuần hoàn - Xuất huyết não do vỡ phình động mạch đốt sống phải - Viêm phổi.
Cuộc vận động của thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai và nghĩa cử cao đẹp giúp 4 cuộc đời được hồi sinh...
Sau 9 ngày nỗ lực điều trị và hồi sức tích cực nhưng tình trạng người bệnh không cải thiện, hôn mê sâu dần, mất các phản xạ và có nguy cơ chết não.
"Qua nhiều cuộc hội chẩn toàn viện, với nhận định người bệnh có nguy cơ cao chết não đến gần, bệnh viện đã giải thích về tiên lượng người bệnh với gia đình, trao đổi với gia đình người bệnh về Chương trình hiến mô, bộ phận cơ thể người của quốc gia với mục đích mang lại sự sống cho những người bệnh đang ngày đêm phải chống chọi với bệnh tật và ý nghĩa nhân văn cao đẹp là cứu người "Cho đi là còn mãi""- PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tiếp lời.
Gia đình người bệnh đã thấu hiểu những lời chia sẻ của các y bác sĩ, nhân viên y tế, hiểu rõ quá trình tận tâm tận lực bằng mọi giá cứu người bệnh của tập thể thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai nên đã bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng người bệnh để cứu người, mang lại sự sống cho những người khác.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ và cái ôm thật chặt với ông Lê Tấn Sáu - bố của người hiến tạng.
Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý với sự chỉ đạo và đồng hành của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, người bệnh đã được đánh giá chết não theo đúng quy trình nghiêm ngặt của pháp luật. Hội đồng đã họp và đánh giá 3 lần, mỗi lần cách nhau 6 giờ, từng dấu hiệu, từng triệu chứng, thông số lâm sàng, cận lâm sàng, … được Hội đồng chẩn đoán chết não đánh giá xem xét hết sức cẩn trọng. Vào lúc 5h30 phút ngày 26/10, người bệnh được kết luận chết não.
Ngay sau đó, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế,… đã phối hợp tiến hành phẫu thuật lấy tạng để của người bệnh để chuyển cho người nhận.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, Ban Giám đốc Bệnh viện cùng tất cả các đồng nghiệp trong ê kíp đã có những lời tri ân xúc động gửi tới người bệnh, người nhà bệnh nhân.
Theo sự điều phối của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, trái tim người bệnh được vận chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để tiến hành ghép tim cho một người bệnh suy tim; gan được vận chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 để ghép cho người bệnh suy gan; 2 thận được các Thầy thuốc của BV TW Quân đội 108 sang triển khai ghép ngay tại Bệnh viện Bạch Mai cho 2 người bệnh suy thận giai đoạn cuối.
"Trong suốt quá trình vận động và thực hiện việc lấy mô tạng, Bệnh viện Bạch Mai luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ đồng hành của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia- Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108, Bệnh viện Trung ương Huế, Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an Thành phố Hà Nội, Hãng Hàng không Vietjet"- PGS.TS Vũ Văn Giáp nói.
Người cha nguôi ngoai phần nào nỗi đau khi trái tim của con trai hiến tặng đã đập trong lồng ngực người nhận chỉ sau hơn 50 phút ghép...
Trái tim trước khi được đưa ra khỏi Bệnh viện Bạch Mai để vận chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế.
Cùng trong ngày 26/10, trước khi bão số 6 đổ bộ vào miền Trung, chuyến bay mang số hiệu VJ1567 của Hãng hàng không Vietjet đã đưa các cán bộ của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), êkip của Bệnh viện Trung ương Huế cùng trái tim của người hiến tặng vào Huế để ghép cho một bệnh nhân nam mắc bệnh tim, 39 tuổi tại Bệnh viện trung ương Huế.
Chiều nay, từ điểm cầu Bệnh viện Trung ương Huế, GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện gửi lời tri ân sâu sắc đến người bệnh, thân nhân người bệnh hiến tạng khi qua đời đã giúp các thầy thuốc của nhiều bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Trung ương Huế hồi sinh nhiều sự sống khác.
GS Hiệp cũng đồng thời cảm ơn Bệnh viện Bạch Mai, êkip gây mê hồi sức của Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và các đơn vị liên quan đã cùng các thầy thuốc tạo nên các phép màu trong cuộc sống.
"Bệnh nhân chờ ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế trước đó đã 2-3 lần được hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tuy nhiên trái tim của người hiến tặng không phù hợp. Sự sống của bệnh nhân ngày càng mong manh. May mắn thay, lần này trái tim của người hiến tặng phù hợp"- GS Hiệp nói và cho biết thêm trên đường 'bay' từ Bệnh viện Bạch Mai vào Huế, trái tim được bảo quản, vận chuyển an toàn.
Các y bác sĩ của Hà Nội và ê kíp ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế đã ghép thành công trái tim. Chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi ghép cho đến nay – chưa quá 48h đồng hồ, bệnh nhân đã ổn định, đã ăn, ngồi dậy.
Cũng theo thông tin của GS.TS Phạm Như Hiệp, trái tim ghép của bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế đã mở ra một kỷ lục mới trong ghép tạng tại đây là: Từ khi đặt quả tim vào lồng ngực cho đến khi quả tim đập lại chỉ hơn 50 phút.
"Chúng tôi đều vỡ òa khi nhìn thấy hình ảnh quả tim của bệnh nhân đập trở lại chỉ trong thời gian như vậy"- GS Hiệp bày tỏ.
Đến hội trường Bệnh viện Bạch Mai từ sớm, bố của bệnh nhân S., ông Lê Tấn Sáu (Thanh Liêm, Hà Nam) mặc chiếc áo rét tối màu và kiệm lời. Có lẽ nỗi đau mất con trai đột ngột đã khiến ông trở nên lặng lẽ… Tuy nhiên, khi chứng kiến thước phim tư liệu các thầy thuốc cúi đầu tri ân con trai trước khi lấy tạng và cả hội trường Bệnh viện Bạch Mai chiều nay đã dành phút tưởng niệm đến người hiến tạng, rồi trái tim của con trai ông đã đập trở lại trong thời gian ngắn trên cơ thể người nhận… có lẽ ông cũng nguôi ngoai phần nào…
Chia sẻ với chúng tôi, ông kể: Sau khi nghe các y bác sĩ giải thích về tình trạng của con, gia đình nén đau thương vì xác định bệnh của con quá nặng. "Được chia sẻ về hành động hiến tạng cứu người bệnh khác, tôi đã bàn bạc với gia đình và đồng ý hiến đa tạng của con trai với hi vọng cho đi là còn mãi. Đây là hoạt động có ý nghĩ và gia đình cũng mong muốn nhiều người không may qua đời do tai nạn, đột quỵ có thể hiến tạng giúp đỡ người bệnh khác"- ông Sáu nói.
Trái tim được vận chuyển ra sân bay để 'bay' vào Huế ghép cho bệnh nhân.
Cuộc chuyển giao sự sống tại Bệnh viện Bạch Mai đã trải qua một hành trình đầy thử thách và đạt được những kết quả tốt đẹp. Sự sống được nối dài và những nghĩa cử cao quý chắc chắn sẽ được lan tỏa và kết nối trong cuộc chiến đấu vì sự sống con người, vì sức khỏe nhân dân.
Trong hành trình đi từ bệnh tật, nỗi đau và cái chết để hồi sinh sự sống hết sức kỳ diệu này, trước hết là tấm lòng thiện tâm vô cùng nhân ái của gia đình người bệnh, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo, chuyên gia, thầy thuốc, kỹ thuật viên, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai và sự đồng hành của các thầy, các đồng nghiệp, các đơn vị bạn trong và ngoài ngành Y tế...
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống