GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, Bệnh viện K sẽ xây dựng cơ sở 4 quy mô khoảng 8,6ha để phát triển kỹ thuật cao như xạ trị proton, những kỹ thuật xạ trị tiên tiến nhất trên thế giới điều trị các ung thư thần kinh, đặc biệt ở trẻ em và các ung thư phổi, tiền liệt tuyến...
Sáng 1/11, thông tin tại hội thảo điều trị đa mô thức bệnh ung thư và quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số - Cập nhật ASCO 2024 do Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội, GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết tới đây, Bệnh viện K sẽ xây dựng cơ sở 4 tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì (Hà Nội) quy mô khoảng 8,6ha,.
GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, Bệnh viện K sẽ xây dựng cơ sở 4 quy mô khoảng 8,6ha để phát triển kỹ thuật cao như xạ trị proton, những kỹ thuật xạ trị tiên tiến nhất trên thế giới...
Khoảng 50%- 60% các phác đồ điều trị đa mô thức bệnh ung thư có vai trò của xạ trị
"Bệnh viện K cơ sở 4 là nơi chúng tôi sẽ đặt Trung tâm xạ trị Proton, khu sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ tại chỗ và một số giường điều trị. Việc đầu tư xây dựng trung tâm ung thư chất lượng cao được trang bị các hệ thống máy xạ trị tiên tiến tầm khu vực và thế giới nhằm nâng cao chất lượng điều trị ung thư, người bệnh có thể hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ngay tại Việt Nam, không phải đi nước ngoài điều trị"- GS.TS Lê Văn Quảng chia sẻ.
Riêng Trung tâm xạ trị Proton của Bệnh viện K là Trung tâm Proton đầu tiên ở miền Bắc sẽ sử dụng điều trị các ung thư thần kinh, đặc biệt ở trẻ em và các ung thư phổi, tiền liệt tuyến ...
Các chuyên gia ung bướu cho biết Điều trị đa mô thức là sự kết hợp nhiều phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát ung thư. 3 phương pháp điều trị kinh điển (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị) ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng không thể thiếu trong điều trị bệnh ung thư.
Bệnh viện K ứng dụng nhiều kĩ thuật hiện đại, đặc biệt là trong phẫu thuật.
Xạ trị là phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa trong điều trị ung thư, sau hơn 100 năm qua xạ trị đã thực sự trở thành phương pháp điều trị quan trọng trong điều trị ung thư,
Hiện nay có khoảng 50%- 60% các phác đồ điều trị đa mô thức bệnh ung thư có vai trò của xạ trị. Với sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật việc ứng dụng xạ trị kỹ thuật cao trong điều trị ung thư là một vấn đề rất được quan tâm, nhiều các chuyên gia, bác sĩ và nhà quản lý có kinh nghiệm trong cả nước đã đề cập đến những tiến bộ của xạ trị trong nghiên cứu và điều trị ung thư.
"Để nâng cao chất lượng xạ trị cho người bệnh ung thư của Việt Nam hiện nay, việc trao đổi, thảo luận về ứng dụng kỹ thuật xạ trị mới một cách hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và nhu cầu thiết thực trước mắt cũng như mở ra định hướng để phát triển cho giai đoạn tiếp theo là rất cần thiết"- GS.TS Lê Văn Quảng nói.
Các kỹ thuật xạ trị đang được áp dụng tại Bệnh viện K đã theo kịp các nước trong khu vực
Trên thế giới, các nước phát triển đã và đang áp dụng phương pháp xạ trị bằng bức xạ hạt như proton, ion nặng là phương pháp xạ mới, hiện đại, an toàn cho một số bệnh lý thay thế các chùm xạ trị photon (tia-X), electron (điện tử) từ máy gia tốc thẳng truyền thống – LINAC; xạ trị bằng máy MRI Linac, Boron Neutron (BNCT) và các kỹ thuật mới khác đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong điều trị ung thư nhi khoa một, số loại bệnh khó điều trị và giảm thiểu các biến chứng của xạ trị cho người bệnh.
"Trong những năm qua, ứng dụng các kỹ thuật xạ trị trong ung thư tại Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc, rất đáng khích lệ. Tại Bệnh viện K, các kỹ thuật xạ trị đang được áp dụng đã theo kịp các nước trong khu vực như: Xạ trị không gian ba chiều theo hình dạng khối u (3D-CRT); xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (IGRT), xạ trị điều biến liều theo thể tích hình cung (VMAT/ Rapid-Art), xạ trị áp sát liều cao hướng dẫn hình ảnh 3D bằng CT/MR…. góp phần rất đáng kể nâng cao hiệu quả trong điều trị ung thư'- GS.TS Lê Văn Quảng thông tin.
Tuy nhiên chuyên gia cũng nhấn mạnh sự đầu tư cho phát triển, phân bố ở các vùng miền và các bệnh viện cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức và phù hợp để người bệnh ở nơi xa trung tâm dễ dàng tiếp cận với điều trị chất lượng cao.
Hội thảo là cơ hội để các báo cáo viên trong và ngoài nước đến từ nhiều quốc gia phát triển như: Mỹ, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Hàn… các giáo sư, tiến sĩ đến từ trung tâm Ung thư, Viện nghiên cứu ung thư nổi tiếng ở Châu Âu, Mỹ, Úc, Pháp trình bày kết quả các nghiên cứu áp dụng những kỹ thuật xạ trị mới, điều trị đa mô thức trong điều trị nhiều loại bệnh ung thư. Đây là cơ hội quý để các chuyên gia trao đổi ý kiến, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau hướng tới mục tiêu chung nâng cao chất lượng trong điều trị và giảm thiểu gánh nặng ung thư tại Việt Nam.
Cơ sở 4 của Bệnh viện K để tập trung phát triển kỹ thuật cao như xạ trị proton, những kỹ thuật xạ trị tiên tiến nhất trên thế giới.
Trước đó, phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc hội thảo này, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Bên cạnh trách nhiệm là bệnh viện hạt nhân chuyên ngành ung bướu, Bệnh viện K còn đang là đầu mối phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy và các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế xây dựng Đề án triển khai Xạ trị Proton, một trong những phương pháp tiên tiến nhất trong điều trị ung thư hiện nay.
"Tôi đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện K và các đơn vị liên quan để khẩn trương hoàn thiện các bước chuẩn bị, xây dựng đề án trình Chính phủ để sớm triển khai kỹ thuật này, góp phần không chỉ người Việt Nam không phải ra nước ngoài điều trị mà còn thu hút người bệnh trong khu vực đến khám chữa bệnh tại Việt Nam"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Theo số liệu thống kê năm 2022, tại Việt Nam ước tính có 180.480 trường hợp mới mắc ung thư và 120.184 trường hợp tử vong do ung thư. Số ca ung thư mắc mới ở nam giới là hơn 95.300 ca, trong đó 3 loại ung thư phổ biến nhất là ung thư gan, phổi, dạ dày; nữ giới có 85.100 ca mắc mới, phổ biến nhất là ung thư vú, phổi, trực tràng.
Mạng lưới và chiến lược phòng chống ung thư tại Việt Nam được Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đặc biệt quan tâm. Từ năm 2009, Bộ Y tế đã ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư giai đoạn 2009 - 2020.
Đến nay, Việt Nam có 11 bệnh viện chuyên ung bướu tại 9 tỉnh/thành phố; 23 trung tâm, viện ung bướu tại 13 tỉnh/thành phố, 78 khoa ung bướu tại 61 tỉnh/thành phố. Còn 2 tỉnh thành chưa có đơn vị chuyên khoa ung bướu là Tây Ninh và Bình Phước.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống