Tại phiên họp 26 của Ban Chỉ đạo, Tổng bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. Vậy định hướng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới đặt ra những yêu cầu gì? Nhân dịp này, Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn Tiến sĩ Nguyên Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để làm rõ về vấn đề này.
Mạnh mẽ và nhất quán
PV: Thưa ông, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã có 141 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 31 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. 55 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, 16 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý hình sự. 32 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý bị xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác.
Trong 6 tháng đầu năm nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức Đảng, 11.000 Đảng viên. Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Đã khởi tố mới điều tra 475 vụ án cùng 1.094 bị can về các tội tham nhũng.
Thưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, ông có bình luận gì với những con số nêu trên?
TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng: Không chỉ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, mà 3 nhiệm kỳ gần đây chúng ta thấy số lượng cán bộ bị xử lý, thậm chí bị truy tố vì tiêu cực, tham nhũng gia tăng theo thời gian. Điều này thể hiện rất rõ quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước rất mạnh mẽ, nhất quán.
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bất kỳ ai trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trong hệ thống cơ quan công quyền Nhà nước mà có những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng đều có thể bị xử lý, từ những cán bộ công chức bình thường cho đến cán bộ quản lý ở cấp cao.
Điều đó thể hiện quyết tâm, nhất quán giữa lời nói và hành động, giữa chủ trương đường lối và hành động thực tiễn của Đảng và Nhà nước trong nỗ lực bài trừ tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống cơ quan nhà nước Việt Nam.
Thứ hai, những số liệu trên được công bố công khai, thể hiện kết quả của hoạt động phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Chúng ta không chỉ quyết tâm, đề ra chủ trương đường lối mà còn hành động cụ thể với những kết quả bằng số lượng cán bộ, Đảng viên bị xử lý liên quan đến tiêu cực, tham nhũng.
Những kết quả đó là bằng chứng để người dân trong nước cũng như các đối tác quốc tế thấy rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức quyết tâm, quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng. Điều này giúp cho người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế thấy chúng ta nỗ lực và chúng ta đã đạt được những kết quả rõ ràng. Về lâu dài, sự gia tăng về lòng tin đó sẽ gia tăng liêm chính trong hệ thống cơ quan công quyền.
PV: Một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là việc xử lý kỷ luật và điều tra truy tố hàng ngàn Đảng viên liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thời gian qua liệu có làm chậm lại và thậm chí là cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng: Thứ nhất là cho đến hiện nay chưa có một nghiên cứu tổng thể nào khẳng định về mối liên hệ giữa việc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng làm chậm tăng trưởng hay phát triển của đất nước. Đấy chỉ là cảm nhận chủ quan thôi. Tuy nhiên dựa vào nghiên cứu của quốc tế, ta thấy rằng nỗ lực quyết tâm phòng, chống tiêu cực tham nhũng trong ngắn hạn có thể có những tác động không mong muốn đến hoạt động của đất nước, kinh tế - xã hội.
Ví dụ trong thời gian gần đây chúng ta thấy xuất hiện cái tâm lý sợ sai. Có một bộ phận cán bộ, họ thấy quyết liệt trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng khiến cho họ nảy sinh tâm lý e dè, ảnh hưởng nhất định trong ngắn hạn đến hoạt động thực thi chính sách. Từ đó có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế hay phát triển của đất nước trong một hoàn cảnh cụ thể, ở cơ quan đơn vị cụ thể.
Không có một đất nước nào trên thế giới này phát triển được nếu như để tham nhũng tràn lan, đấy là một thực tế được khẳng định.
Lập luận cho rằng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mạnh quá thì sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước hay phát triển của đất nước thì đấy là một quan điểm tôi cho rằng là rất là sai trái.
Rõ ràng nếu tham nhũng tràn lan thì sẽ hút hết nguồn lực thực thi chính sách và từ đó thì làm sao mà tăng trưởng và phát triển được.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo phiên họp 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
PV: Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng nhìn nhận ra sao về mục tiêu mà Đảng ta đã đưa ra với phương châm là phát triển kinh tế là trọng tâm và xây dựng Đảng là then chốt?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng: Đảng ta đã xác định rất rõ trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng là then chốt. Ở đây phát triển kinh tế - xã hội là trọng tâm thì dễ hiểu thôi, bởi vì đó là phục vụ lợi ích, cuộc sống của người dân. Sự lãnh đạo của Đảng hay quản lý của Nhà nước theo thời gian phải cải thiện được chất lượng cuộc sống của người dân. Thế cho nên phát triển kinh tế - xã hội là trọng tâm là rất đúng.
Bên cạnh đó thì Đảng đề ra một chủ trương xây dựng Đảng là then chốt. Nếu như tổ chức Đảng chất lượng hoạch định chủ trương đường lối, xây dựng đội ngũ cán bộ mà không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta đó là phát triển kinh tế - xã hội.
Hai cái đó đi kèm với nhau không thể tách rời nhau được.
Thực tế là chúng ta đã làm rất tốt trong thời gian gần đây, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng trên phương diện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý nhiều cán bộ, về bản chất sâu xa cũng là công tác xây dựng Đảng. Phòng là để xây, xử lý một người để cảnh tỉnh nhiều người, xử lý một tập thể ban lãnh đạo là để cảnh tỉnh cả một địa phương, một bộ, ngành.
Vì vững mạnh của Đảng, khả năng đảm bảo năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng thì công tác xây dựng Đảng được xác định then chốt là rất đúng đắn. Đó là tiền đề để chúng ta có đủ yếu tố, điều kiện để thực hiện được nhiệm vụ trung tâm đó là phát triển kinh tế - xã hội.
Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là rất rõ
PV: Tại phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh đến yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông thì quan điểm chỉ đạo này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng: Gần đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã quán triệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hướng đến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cái này rất là rõ. Thứ nhất về quan điểm, phòng chống tham nhũng tiêu cực chính là một cách để hướng đến phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy lui được tham nhũng, tiêu cực có nghĩa là chúng ta bảo đảm được đội ngũ cán bộ thực sự liêm chính, thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, thực thi chính sách.
Và nếu như hạn chế hay giảm thiểu được tham nhũng, tức là chúng ta tiết kiệm được nguồn lực của Nhà nước để thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Chúng ta nhìn thấy là xử lý cán bộ, nhưng thực tế sâu xa chính là giữ lại được các nguồn lực của Nhà nước để phục vụ thực hiện chính sách và phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng có thể hiểu quan điểm chỉ đạo đấy ở phương diện thứ hai, đó là phòng chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt, nhưng cũng cần cái sự công tâm, khách quan và nhân văn.
Chúng ta xử lý đúng người, đúng tội và đúng trách nhiệm, chứ không xử lý một cách duy ý chí, giúp cho chủ trương, chính sách, phòng chống tiêu cực, tham nhũng đi đúng trọng tâm, trọng điểm, khiến cho cán bộ, Đảng viên hiểu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là để phục vụ, phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để nhắm đến cá nhân hay nhóm nào đó.
Tôi cho rằng chúng ta phải làm rõ, phòng chống tham nhũng tiêu cực là giữ lại được nguồn lực, thậm chí là lấy lại tài sản cho nhà nước, lấy nguồn lực đó để cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cho nên chỉ đạo gần đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm rất rõ. Quan điểm chỉ đạo đó giúp cho mỗi cán bộ Đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý nhận thức đúng.
PV: Vậy theo ông, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng và từ đó phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì chúng ta cần chú trọng những nội dung nào ạ?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng: Về chiến lược lâu dài, để có thể giảm thiểu tiêu cực, tham nhũng thì điều kiện thể chế vẫn là một trong những yếu tố hàng đầu để không thể, không dám tham nhũng, thậm chí là không muốn tham nhũng.
Đây cũng là thực tế ở nhiều nước, để có thể giảm thiểu được tiêu cực, tham nhũng thì điều kiện thể chế đặc biệt là các quy định pháp lý, quy định hành chính phải chặt chẽ, đầy đủ, hoàn thiện hơn. Rõ ràng ở nước ta hiện nay những điều kiện thể chế còn chưa được hoàn thiện, cho nên Đảng vẫn xác định đột phá về thể chế, hoàn thiện hơn nữa thể chế để có thể kiểm soát được quyền lực, đảm nhiệm chức vụ trong hệ thống cơ quan công quyền.
Bên cạnh đó còn cả chế độ đãi ngộ, để làm sao cán bộ, công chức, viên chức có một cuộc sống khá so với mức sống phổ biến ở một địa phương nào đó, thì tự khắc động lực cho tiêu cực, tham nhũng giảm bớt đi.
Cùng với đó là giáo dục về đạo đức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Mỗi cán bộ Đảng viên kể cả ở những đơn vị bình thường, đơn vị nhỏ nhất, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý phải nhận thức được bổn phận là giữ gìn sự liêm chính, hạn chế không được thực hiện những hành vi trái với các quy định.
Đây là một tiến trình liên tục và cần nhiều thời gian.
Dựa vào những kết quả chúng ta đã đạt được thì cá nhân tôi kỳ vọng rằng, nỗ lực phòng, chống tiêu cực, tham nhũng ở đất nước chúng ta sẽ tiếp tục được thực hiện nhất quán trong thời gian tới. Hướng đến tương lai, sớm xây dựng được bộ máy công quyền liêm chính, phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
PV/VOV
Nguồn: vov.vn