Các bác sĩ khuyến cáo với nhóm nguy cơ cao như viêm gan B mạn tính, xơ gan, gan nhiễm mỡ do rượu, gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa cần phải được kiểm tra định kỳ từ 3 đến 6 tháng/1 lần để phát hiện bất thường và đưa ra phương án điều trị sớm.
Tại hội thảo khoa học Cập nhật chẩn đoán và điều trị các bệnh gan mật tụy được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 23/11, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Bệnh gan mạn tính và các bệnh lý mật tụy luôn là một gánh nặng y tế lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh lý ung thư gan, ung thư tụy, tổn thương gan do thuốc hay biến chứng xuất huyết tiêu hóa do xơ gan vẫn ở mức cao. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao nhận thức cũng như cập nhật kiến thức cho đội ngũ y bác sĩ".
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về gánh nặng của các bệnh lý gan mật tụy.
PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng nhấn mạnh tới sự phối hợp hiệu quả đa chuyên khoa giữa lâm sàng và cận lâm sàng, giữa nội khoa và ngoại khoa. Việc cập nhật thường xuyên những phương pháp chẩn đoán, điều trị mới đã trở thành công việc thường quy của các đơn vị điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai nói chung và Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa nói riêng.
Với đội ngũ thầy thuốc giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị hiện đại và các kỹ thuật tiến bộ được áp dụng tối ưu, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận sàng lọc, chẩn đoán, điều trị thành công cho nhiều ca bệnh phức tạp đường tiêu hóa.
Theo PGS.TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, việc sàng lọc, chẩn đoán sớm bệnh ung thư gan, ung thư tụy rất quan trọng để có thể xử trí, hướng tới việc cá thể hóa các phác đồ điều trị tối ưu.
"Với nhóm nguy cơ cao như viêm gan B mạn tính, xơ gan, gan nhiễm mỡ do rượu, gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa cần phải được kiểm tra định kỳ từ 3 đến 6 tháng/1 lần. Qua các xét nghiệm và hình ảnh cận lâm sàng, dấu hiệu lâm sàng, thầy thuốc sẽ phát hiện những bất thường và đưa ra phương án điều trị sớm" - PGS.TS Nguyễn Công Long nói.
Với góc độ đa chuyên khoa kết hợp giữa lâm sàng và cận lâm sàng như: nội tiêu hóa, ngoại tiêu hóa, ung thư, giải phẫu bệnh, sinh học, điện quang, các báo cáo khoa học cùng những trình bày thực tiễn lâm sàng đã phân tích đa chiều những tiến bộ mới về các kỹ thuật, phương pháp chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tiêu hóa phức tạp. Trong đó đáng chú ý là tổn thương gan, xuất huyết đường tiêu hóa, cắt gan trong ung thư biểu mô tế bào gan, nhiễm trùng đường mật ác tính, ung thư tụy, trào ngược dạ dày.
Hội thảo lần này có các chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản tham dự và chia sẻ kinh nghiệm, không chỉ là cơ hội để giới chuyên môn tiếp cận những kinh nghiệm, những kiến thức mới mà còn là dịp để trao đổi, thảo luận về những phương pháp chẩn đoán, điều trị tiên tiến nhất.
Một số chủ đề nổi bật được chia sẻ như: “Quá trình phát triển ung thư gan nguyên phát”; “Chẩn đoán và quản lý chuyên sâu ung thư tụy”; “Các dấu ấn sinh học trong tầm soát chẩn đoán sớm và thoe dõi điều trị ung thư gan”; “Điều trị nhiễm trùng đường mật do bệnh lý ác tính, tổn thương gan do thuốc”; “Xử trí và dự phòng xuất huyết đường tiêu hóa”... giúp việc chẩn đoán, điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa thành công, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống