Các quy định cần cụ thể để Luật sau khi ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống

15/08/2024 56 lượt xem
A A- A+

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội vẫn còn hơn 30 điều, khoản có nội dung giao Chính phủ, Bộ trưởng quy định chi tiết. Nêu vấn đề này tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm cần đưa ngay vào Luật để Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi ban hành sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Rà soát kỹ các quy định có nguy cơ làm phát sinh thủ tục hành chính

Về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Điều 28, 29 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ và cụ thể về quy trình thực hiện xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích; công trình kinh tế - xã hội; công trình sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ tại khu vực bảo vệ I, bảo vệ II của di tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8. Ảnh: Hồ Long

Trong đó, Điều 29 của dự thảo Luật quy định rõ, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, triển khai xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại khu vực bảo vệ I; xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, công trình kinh tế - xã hội tại khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh…

Đồng thời, tại Điều 29 cũng quy định, việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích không thuộc quy định tại điểm trên thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8. Ảnh: Hồ Long

Ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra sau Kỳ họp thứ Bảy đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc của các cơ quan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn trong bảo vệ, quản lý đối với những trường hợp có yếu tố gốc cấu thành di tích, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống trong khu vực bảo vệ di tích (Điều 28, 29). Trong trường hợp sửa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ đã có sẵn trong khu bảo vệ di tích nhưng không thuộc yếu tố gốc cấu thành cảnh quan văn hóa di tích, thì việc phân cấp cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống trong các khu di tích.

Ghi nhận những sửa đổi, bổ sung tiến bộ hơn tại dự thảo Luật về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định tại Điều 29 liên quan đến thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư với những dự án, công trình nêu trên cần được rà soát để phù hợp hơn, tránh phát sinh thủ tục hành chính, có thêm những việc phải thực hiện, vừa không phù hợp với pháp luật về đầu tư, đầu tư công, vừa có thể gây kéo dài thời gian thực hiện dự án.

“Quy định như thế nào để bảo vệ di sản một cách chặt chẽ nhưng vẫn bảo đảm thủ tục hành chính thông thoáng là một yêu cầu khó với các cơ quan. Nhưng nếu cứ đặt thêm một dạng quy định phải xin phép cấp này, cấp kia mà không gắn với quy trình quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư sẽ có thể làm phát sinh thủ tục hành chính, tăng thời gian thực hiện dự án, cũng như ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác”. Nêu vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, những điều, khoản nào trong dự thảo Luật có nguy cơ làm phát sinh thủ tục hành chính phải được rà soát kỹ, nhất là trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bảo đảm những gì đã chín, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm thì đưa vào Luật

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được chỉnh lý, tiếp thu đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, đạt được sự thống nhất cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo; đến nay, không còn ý kiến nào khác nhau. Đánh giá cao việc này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, ít có dự thảo luật nào mà sau một kỳ họp tiếp thu, giải trình có thể đạt được sự đồng thuận cao như dự luật này, cho thấy sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ quan. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trực tiếp lắng nghe, tiếp thu từ các hội nghị, hội thảo, các cuộc làm việc với tinh thần sức cầu thị.

Quang cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, thống kê sơ bộ cho thấy, trong dự thảo Luật có khoảng hơn 30 điều, khoản có nội dung giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành. Như vậy, những nội dung giao cho Chính phủ, Bộ trưởng quy định chi tiết cũng khá lớn. Lưu ý vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cần quy định cụ thể một cách tối đa trong dự thảo Luật để bảo đảm yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Những nội dung nào quy định được trong Luật thì phải quy định ngay để khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có hiệu lực sẽ triển khai thi hành được ngay.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã đưa ra quy định về thanh tra di sản văn hóa theo hướng cơ quan thanh tra về di sản văn hóa được thành lập ở cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở Trung ương và địa phương (Điều 98). Tuy nhiên, theo Nghị định số 01/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì trong cơ cấu của Bộ có Thanh tra Bộ. “Hai thiết chế này có khác nhau hay không, cần giải thích rõ thêm”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, quy định tiêu chí xác định và trình tự, thủ tục công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được thực hiện theo quy định tại Điều 38, Điều 49 của Luật Lưu trữ năm 2024. Trong khi đó, tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang quy định nội dung này tại Điều 53. Điều này đặt ra yêu cầu với các cơ quan cần rà soát để tránh sự giao thoa, chồng chéo về đối tượng áp dụng tư liệu, tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ...

Báo cáo, giải trình làm rõ các vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, các đề nghị của Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kỹ thuật soạn thảo, bảo đảm sự đồng bộ với các luật, nghị định liên quan là rất xác đáng. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật.

Liên quan đến phân cấp, phân quyền trong quản lý di sản văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cam kết, sẽ phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục để rà soát, thu gọn những nội dung giao Thủ tướng, Bộ trưởng cho ý kiến. “Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng chỉ cho ý kiến với việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư với các công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, dự án đầu tư, công trình kinh tế - xã hội, chứ không can thiệp cụ thể vào nội dung, quy mô của dự án”, Bộ trưởng khẳng định.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, các cơ quan cần phối hợp nghiên cứu, rà soát các quy định trong văn bản dưới luật hoặc bổ sung những nội dung mới để luật hóa với phương châm bảo đảm những gì đã chín, đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm thì đưa vào luật để Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi ban hành sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan cần rà soát các cơ chế, chính sách về đầu tư công, đầu tư xã hội cũng như việc phân cấp, phân quyền, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ của các chủ thể để công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa sẽ bảo đảm được mục tiêu lớn nhất của các chính sách cần được luật hóa. Đó là xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy để phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa Trung ương và địa phương, giữa Bộ chủ quản với các Bộ, cơ quan ngang bộ cũng như giữa các chính quyền địa phương, giữa quốc gia và quốc tế. Đặc biệt là những vấn đề liên quan tới quyền văn hóa, quyền chủ thể, quyền con người để cơ chế thị trường có thể vận hành có hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa nói chung và trong bảo tồn di sản văn hóa nói riêng.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, chiều 29.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 441/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,07% tổng số đại biểu Quốc hội.
29/11/2024
Chiều nay (27/11), với đại đa số ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
27/11/2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh dự thảo Luật Việc làm sửa đổi tiếp tục được hoàn thiện góp phần xây dựng khung pháp lý để tạo việc làm đầy đủ, chất lượng và tăng năng suất lao động.
27/11/2024
Bộ Y tế hướng dẫn xác định số ngày giường, áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
25/11/2024
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, nếu cùng một thời điểm phải nằm ghép 02 người/01 giường thì chỉ được thanh toán 1/2 mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tương ứng...
25/11/2024
DSCKII Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được Quốc hội thông qua chiều nay - 21/11 có 7 nhóm điểm mới.
22/11/2024
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được Quốc hội thông qua; trong đó quy định nhiều điểm mới trong kinh doanh thuốc trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
21/11/2024
Với đại đa số ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
21/11/2024
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 34/TT-BYT quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của 990 dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập, trong số này nhóm dịch vụ về phòng chống bệnh truyền nhiễm chiếm nhiều nhất với 314 dịch vụ...
21/11/2024
Vào 14h ngày 21/11, các ĐBQH sẽ biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử để thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
21/11/2024
Theo Thông tư mới nhất của Bộ Y tế, các cơ sở y tế được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục thuốc được BHYT chi trả, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật...
19/11/2024
Tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, sáng nay, 5.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
05/11/2024
QC2
Đang online: 30
Tổng truy cập: 178.058
® Bản quyền thuộc về TW Hội Đông Y Việt Nam. Giấy phép số 164/GP-TTĐT do cục PTTH và TTĐT cấp