Bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Theo đó, Kế hoạch nhằm mục đích tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV và khóa XVI bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được Hiến pháp quy định nhằm xây dựng Chính phủ dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, phục vụ Nhân dân, tăng cường sự quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng: Kết thúc hoạt động của Ban cán sự Đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức Đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và một số Đảng bộ trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước (riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay). Có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Chính phủ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: VGP.
Đảng ủy Chính phủ, gồm ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy; ban thường vụ đảng ủy gồm Thủ tướng Chính phủ làm Bí thư, các Phó thủ tướng, một số thành viên Chính phủ và có thể bố trí một Phó bí thư chuyên trách; Bộ Chính trị chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy; quy định ban thường vụ đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng Chính phủ hiện nay.
Kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng bộ Chính phủ gồm: ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy; ban thường vụ đảng ủy gồm Bộ trưởng làm Bí thư, các Thứ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và 1 Phó bí thư chuyên trách; cấp có thẩm quyền chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy, quy định ban thường vụ đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hiện nay.
Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ: Duy trì 8 bộ, cơ quan ngang bộ (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ VHTT&DL và VPCP, Thanh tra Chính phủ và NHNN Việt Nam.
Định hướng, cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang bộ:
1/ Hợp nhất Bộ KH&ĐT và Tài chính: Tên bộ sau khi sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
2/ Hợp nhất Bộ GTVT và Bộ Xây dựng, dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn.
3/ Hợp nhất Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.
4/ Hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KH&CN. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông.
5/ Hợp nhất Bộ LĐTB&XH và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động, chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ GD&ĐT, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
6/ Bộ Y tế chủ động phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư trong việc tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (khi kết thúc hoạt động ban này). Đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ LĐTB&XH chuyển sang.
7/ Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp để tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (khi kết thúc hoạt động của 2 ban này).
8/ Bộ Nội vụ chủ động xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH xây dựng đề án hợp nhất Bộ LĐTB&XH với Bộ Nội vụ (sau khi chuyển một số chức năng sang Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế); phối hợp với Ủy ban Dân tộc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.
9/ Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ và phối hợp với Bộ LĐTB&XH tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ LĐTB&XH.
Đối với các các cơ quan Chính phủ và tập đoàn
Theo kế hoạch, định hướng kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành...
Theo đó, dự kiến chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty đang giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Với một số tập đoàn lớn (như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam...) thì nghiên cứu xác định là đầu mối tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan
Thực hiện phương án này, dự kiến chuyển nhiệm vụ của ủy ban về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển, NHNN Việt Nam. Ngoài ra, cần thành lập tổ chức phối hợp liên ngành do lãnh đạo Chính phủ làm người đứng đầu để chỉ đạo hoạt động điều phối giám sát chung đối với thị trường tài chính.
Với 2 viện hàn lâm khoa học, có 2 phương án. Phương án 1: Hợp nhất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thành Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Phương án 2: Duy trì hai viện hàn lâm nhưng thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.
Với 2 Đại học Quốc gia (Hà Nội và TP.HCM), đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM về Bộ GD&ĐT để quản lý.
Đối với sáp nhập các cơ quan báo chí
Giao Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng đề án chỉ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC. Đồng thời, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong hiện có của Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp. Giao TTXVN, Đài Tiếng nói Việt Nam kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC và cơ cấu lại, giảm mạnh tổ chức bên trong.
Tập trung xây dựng TTX Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên cho các hoạt động
Chuyển Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trong cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng.
Cơ cấu BHXH Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (tổ chức lại thành 1 đầu mối độc lập thuộc Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển).
Đối với các đơn vị có chức năng tham mưu tổng hợp chung, đề nghị mỗi bộ chỉ duy trì một đầu mối tổ chức tương ứng với các lĩnh vực tổ chức cán bộ, pháp chế, hợp tác quốc tế, văn phòng, kế hoạch tài chính và thanh tra.
Đối với đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức: chỉ duy trì tối đa 5 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành (gồm viện; tạp chí; báo; trung tâm thông tin; trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức).
Với các viện, đề nghị sắp xếp, tổ chức lại theo hướng thu gọn đầu mối trên cơ sở thực hiện nguyên tắc một đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại theo yêu cầu của Nghị quyết 19 và phù hợp với quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học công nghệ công lập.
Với báo và tạp chí, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện phương án sắp xếp, bảo đảm mỗi bộ, cơ quan ngang bộ chỉ có một cơ quan báo (gồm: báo in, báo điện tử và cổng thông tin điện tử của bộ, ngành) và một tạp chí khoa học chuyên ngành (chỉ duy trì đối với các tạp chí có uy tín về khoa học trên thế giới và trong nước).
Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức, chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ, ngành phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành; chuyển đổi thành công ty cổ phần khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường cao đẳng, trường trung cấp): thực hiện sắp xếp theo Quyết định 73/2023, gồm 4 cấp là quốc gia, vùng, ngành, tỉnh, bảo đảm đến hết năm 2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự bảo đảm chỉ thường xuyên.
Học viện, đại học, trường đại học: đến năm 2025 đề nghị tự bảo đảm chi thường xuyên, đồng thời rà soát, sắp xếp theo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao mức độ tự chủ về tài chính phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực.
Đối với bệnh viện: chỉ giữ lại các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học. Đến hết năm 2025 các cơ sở khám chữa bệnh (trừ các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh đặc thù) là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên...
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống