Các hình thức giám sát CSGT
Từ 15/11, Thông tư 46/2024 của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực thi hành.
Thông tư quy định nhiều hình thức giám sát và bãi bỏ hình thức giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng đây không được xem là hành vi bị nghiêm cấm.
Người dân có quyền sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, chụp ảnh giám sát quá trình làm việc của CSGT nhưng phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của CSGT đang thực thi công vụ.
Người dân có quyền sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, chụp ảnh để giám sát quá trình làm việc của CSGT nhưng phải bảo đảm đúng quy định pháp luật (Ảnh: Hải Nam).
Người dân không được sử dụng các hình ảnh, video đã quay được để đăng lên mạng xã hội nhằm xúc phạm CSGT.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) mới đây đề nghị Cục CSGT tham mưu, báo cáo Bộ Công an thực hiện truyền thông chính sách sâu rộng, nhất quán về Thông tư số 46/2024 để thực hiện đúng, đầy đủ quy định về quyền giám sát của nhân dân thông qua hình thức ghi âm, ghi hình trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Các chính sách hỗ trợ hợp tác xã
Nghị định 113/2024 hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2023 có hiệu lực thi hành từ 1/11, quy định các chính sách hỗ trợ hợp tác xã gồm: Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thông tin; hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro.
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền khi đặt lệnh
Thông tư 68/2024 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán chính thức có hiệu lực từ 2/11.
Thông tư đã sửa đổi, bổ sung việc nhà đầu tư phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua chứng khoán, ngoại trừ các trường hợp: Nhà đầu tư giao dịch ký quỹ theo quy định; tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh theo quy định.
Thông tư 68/2024 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 2/11 (Ảnh: Hữu Khoa).
Bộ Tài chính cũng bổ sung quy định công ty chứng khoán thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu (nếu có) theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức hoặc đại diện theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán giao dịch thiếu tiền được chuyển cho công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh.
Các khoản lỗ, lãi và chi phí khác phát sinh khi thực hiện giao dịch theo quy định được thực hiện theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức hoặc đại diện theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Phạm nhân được trả tiền công lao động dựa trên kết quả xếp loại
Theo Nghị định số 118/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự (có hiệu lực từ 15/11), 10% của tổng số tiền thu được từ kết quả lao động của các phạm nhân sau khi trừ các chi phí hợp lý sẽ được dùng để trả tiền công cho chính phạm nhân đó.
Trong đó, phạm nhân tham gia lao động được xếp loại tốt trong quý sẽ được hưởng 100% định mức, loại khá được hưởng 90%, loại trung bình được hưởng 80% và cuối cùng loại kém được hưởng 50%.
Chế độ ăn đối với phạm nhân, phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, phạm nhân là người dưới 18 tuổi cũng quy định rõ. Cụ thể, phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17kg gạo tẻ; 15kg rau xanh; 1kg thịt lợn; 1kg cá; 0,5kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; gia vị khác tương đương 0,5kg gạo tẻ; chất đốt tương đương 17kg củi hoặc 15kg than.
Phạm nhân lao động thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định pháp luật thì định lượng ăn được tăng thêm nhưng tổng mức ăn không quá 2 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Luật sư có thể bị xử phạt nặng
Nghị định số 117/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11.
Luật sư có thể bị xử phạt nặng nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Ảnh minh họa: Hải Nam).
Nghị định mới bổ sung hình thức phạt tiền từ 15-30 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đối tượng bị xử phạt là tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Với hành vi trên, nghị định mới bổ sung việc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 6-9 tháng.
Quy định mới về thành lập hội
Từ ngày 26/11, Nghị định 126/2024 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động và quản lý hội sẽ chính thức có hiệu lực.
Hội là tổ chức tự nguyện của tổ chức, công dân Việt Nam cùng lĩnh vực, ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Để thành lập hội cần đảm bảo nhiều điều kiện về tên gọi, có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp; có điều lệ, trụ sở; lĩnh vực hoạt động chính của hội định thành lập không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.
Đáng chú ý, một trong các điều kiện để thành lập hội là phải có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội. Đây là quy định mới so với trước đây.
Theo Báo Dân Trí