Tại cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải bám sát và phục vụ hai nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII đã xác định. Đó là tăng tốc bứt phá để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và chuẩn bị thật tốt để tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng. Đặc biệt, “vừa phải chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa phải quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sáng 30.10.2024. Ảnh: Thống Nhất
Những nội dung nêu trên được Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng thông tin với phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí tại cuộc họp báo về kết quả Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực diễn ra chiều nay, 30.10.
Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm!
Tại cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, cần tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, trước hết, Tổng Bí thư đề nghị cần nghiên cứu chỉ đạo quyết liệt để triển khai ngay các công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo khí thế mới, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Đây là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều lần so với tham nhũng, tiêu cực và thực tiễn thời gian qua cho thấy, mặc dù đã có nhiều chủ trương, giải pháp về vấn đề này nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Về tổng thể, Tổng Bí thư nêu rõ, phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp đến cao để thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí. Theo đó, cần xây dựng văn hóa chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa chống lãng phí trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội; đưa vào các nội quy của từng cơ quan, hương ước của từng thôn, xóm; quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước; xử lý các vi phạm từ hành chính đến mức cao nhất là hình sự. Và trước mắt, phải lựa chọn những nội dung trọng tâm, giải pháp đột phá để tập trung chỉ đạo tạo dấu ấn lan tỏa trong toàn xã hội.
Theo Tổng Bí thư, cần chú trọng triển khai một số nội dung, như khẩn trương ban hành Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về những nội dung cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống lãng phí. Trong đó, phải nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện lãng phí, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí.
Cùng với đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; sửa đổi, bổ sung ngay các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; “xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan”.
“Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân”, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết.
Trước mắt, rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn, trước hết là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức; dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh; các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối, vận hành... Song song với xử lý, Tổng Bí thư lưu ý, cũng cần có các hình thức khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc có giải pháp làm lợi cho Nhà nước.
Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực
Thứ hai, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gắn với tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sáng 30.10.2024. Ảnh: Thống Nhất
Cụ thể, cần tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giải quyết kịp thời các vụ việc dư luận quan tâm, Nhân dân bức xúc, nhưng hạn chế tối đa làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả các luật vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ điểm nghẽn và Nghị quyết thí điểm cơ chế xử lý vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sau khi được Quốc hội thông qua, góp phần khơi thông các nguồn lực, đưa các tài sản vào lưu thông, tránh thất thoát, lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Thứ ba, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phục vụ việc thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tổ chức Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Trước hết, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 2 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Nhất là, khẩn trương hoàn thành kết luận kiểm tra, thanh tra các chuyên đề, vụ việc; điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty Xuyên Việt Oil, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty AIC, dự án Sài Gòn - Đại Ninh (Lâm Đồng), sân bay Nha Trang... Trong đó, chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, làm rõ các trường hợp cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc có liên quan đến công tác nhân sự Đại hội đảng các cấp với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc nhưng cũng hết sức thận trọng, khách quan; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực.
Không được lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để cản trở hoạt động phát triển hoặc trục lợi
Thứ tư, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, cần thúc đẩy việc xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
“Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải làm cho việc thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực “trở thành việc làm “tự giác”, “tự nguyện”, “như cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày”; phải khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân”, ông Đặng Văn Dũng nêu rõ.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sáng 30.10.2024. Ảnh: Thống Nhất
Thứ năm, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở theo phương châm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải từ cơ sở, từ chi bộ. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung chức năng của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh để chỉ đạo cả công tác phòng, chống lãng phí, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Tăng cường ứng dụng công nghệ, cải cách hành chính, xử lý hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt”; khắc phục bệnh “sợ trách nhiệm”, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm.
“Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu không được lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để cản trở hoạt động phát triển hoặc trục lợi”, ông Đặng Văn Dũng cho biết.
Từ sau Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 14.8.2024) đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, thực hiện nghiêm các kết luận Phiên họp, Cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; tiến độ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc cơ bản hoàn thành theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo, có việc vượt yêu cầu đề ra...
Đặc biệt, ngày 29.10 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 192-QĐ/TW kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó đã bổ sung cho Ban Chỉ đạo nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm của phòng, chống lãng phí là trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Với những kết quả rõ nét đạt được, cùng nhiệm vụ mới của Ban Chỉ đạo và những nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, tin tưởng chắc chắn rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thời gian tới sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo chiều sâu, đạt nhiều kết quả quan trọng, đúng với tinh thần kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Báo Đại biểu Nhân dân