Nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) với 4 chính sách.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng trình bày tờ trình về bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 một số dự án luật, trong đó có Luật Báo chí (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Ngày 11.12, tiếp tục phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 một số dự án luật, trong đó có Luật Báo chí (sửa đổi).
Theo tờ trình của Chính phủ được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng trình bày, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là nội dung định hướng tại Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) với 4 chính sách.
Chính sách 1: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí. Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về các khái niệm báo, tạp chí; điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí; thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí; quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương; quy định để tạp chí khoa học theo đúng tính chất; về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; bổ sung quy định việc nộp lưu chiểu bản tin, đặc san.
Chính sách 2: Nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí. Theo đó, sửa đối, bổ sung các quy định về: nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của cấp phó người đứng đầu cơ quan báo chí; yêu cầu về bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu; quy định về cấp, cấp lại, thu hồi đổi thẻ nhà báo.
Chính sách 3: Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí. Sửa đổi, bổ sung các quy định về: Phát triển mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông; Liên kết trong hoạt động báo chí; Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; Nhập khẩu báo in, tạp chí in và xuất khấu nội dung báo nói, báo hình...
Chính sách 4: Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng. Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về: Hoạt động trên không gian mạng của cơ quan báo chí; công cụ số để giám sát hoạt động báo chí trên không gian mạng của cơ quan quản lý nhà nước; quy định cơ chế quản lý đối với các hoạt động có ảnh hưởng đến hoạt động báo chí.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục và Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cơ bản nhất trí với nội dung của 4 chính sách nói trên.
Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; Nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; Thúc đẩy kinh tế báo chí; Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu, làm rõ một số nội dung sau: mối quan hệ giữa quy định về “tạp chí khoa học” với quy định về “tạp chí in”, “tạp chí điện tử” tại chính sách 1; hình thức “xử lý vi phạm” đối với hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam và nghĩa vụ tham gia Hội Nhà báo Việt Nam đối với “người làm báo” tại chính sách 2.
Ngoài ra, làm rõ mô hình tổ hợp báo chí truyền thông bảo đảm phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập tại chính sách 3; hình thức, điều kiện hoạt động của báo chí trên không gian mạng; chính sách quản lý đối với “trang thông tin điện tử tổng hợp” tại chính sách 4.
Theo Báo Lao Động