Đây là bảo tàng đầu tiên tại Việt Nam chuyên lưu giữ và trưng bày các hiện vật liên quan đến y học cổ truyền.
Ngay khi bước vào bảo tàng, du khách sẽ cảm nhận được hương thơm thảo mộc. Trên trang TripAdvisor, khách tham quan mô tả bảo tàng này là một nơi “nhất định không thể bỏ lỡ”, với rất nhiều hiện vật cổ về thảo dược và dụng cụ trị liệu được trưng bày sinh động.
Bảo tàng được xây dựng từ năm 2003 và chính thức mở cửa đón khách vào năm 2007.
Ý tưởng thành lập xuất phát từ niềm đam mê sưu tầm và mong muốn bảo tồn những giá trị quý báu y học cổ truyền Việt Nam của ông Lê Khắc Tâm, Chủ tịch Công ty dược phẩm FITO Pharma. Trong hơn 20 năm, ông Tâm đã dành tâm huyết sưu tầm, nghiên cứu và lập ra bảo tàng này.
Kiến trúc độc đáo của bảo tàng cũng là điểm gây ấn tượng mạnh với báo chí và du khách nước ngoài. Từ bên ngoài, tòa nhà trông như một căn nhà gỗ truyền thống Việt Nam khiêm tốn, nhưng bước qua cánh cửa, du khách như lạc vào một “thế giới gỗ chạm khắc” đầy mê hoặc.
Theo thuyết minh viên Lê Song Hồ, toàn bộ nội thất bằng gỗ ở đây được lấy từ một ngôi nhà cổ ở Hà Nội, rồi được vận chuyển và lắp dựng lại trong Sài Gòn để tái tạo kiến trúc nhà gỗ truyền thống của miền đất kinh kỳ xưa.

Toàn bộ cầu thang, cột kèo, lan can đều bằng gỗ đen được chạm khắc tinh vi; thang máy cũng được ốp gỗ với hoa văn truyền thống. Trong ảnh: Bức đại tự treo trên trần nhà viết câu nói nổi tiếng của danh y Tuệ Tĩnh là “Nam dược trị nam nhân” (thuốc Nam dành cho người Nam), khẳng định giá trị của thảo dược quê hương trong việc chữa bệnh cho người Việt. ẢNH: MỸ DIỆP

Bảo tàng được xây dựng chủ yếu từ gỗ, với nhiều họa tiết chạm khắc tinh xảo, trông rất cổ kính và trang trọng. Bên trong, nội thất được trang trí công phu với những bức chạm khắc trên cột và cửa. ẢNH: P.T.N
Bảo tàng lưu giữ hơn 3.000 hiện vật quý liên quan đến y học cổ truyền Việt Nam, từ thời kỳ đồ đá đến nay, từ dụng cụ bào chế thuốc đến các sách, tài liệu y học cổ truyền.
Với tổng diện tích gần 600 m², bảo tàng gồm một tầng trệt và 5 tầng lầu, có tổng cộng 18 phòng trưng bày, với bảng giải thích chi tiết bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh (và một số phần bằng tiếng Pháp). Du khách sẽ được hướng dẫn tham quan từ tầng trên cùng.
Theo đó, lầu 5 của bảo tàng gồm các phòng: Danh y Việt Nam (trưng bày 15 bức tranh sơn son thếp vàng về các danh y và tác giả y học cổ truyền Việt Nam từ thế kỷ 13 - 19); Tháp Chàm (mô phỏng kiến trúc tháp Chàm và cổng vào Y miếu Thăng Long); Di tích y học cổ truyền Việt Nam (giới thiệu tổng quan về y học phương Đông, bao gồm lịch sử y học của Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản).

Mô phỏng tháp Chàm tại bảo tàng. ẢNH: P.T.N

Tháp mô phỏng cổng vào Y miếu Thăng Long (Hà Nội) - một di tích lịch sử của nền y học cổ truyền Việt Nam. ẢNH: P.T.N

Mô phỏng bao đựng dược liệu y học cổ truyền. ẢNH: T.L
Lầu 4 của bảo tàng gồm các phòng: Niên biểu lịch sử y học cổ truyền Việt Nam; Bàn thờ Y tổ; Dụng cụ y học cổ truyền thời tiền sử; "Cây y học cổ truyền Việt Nam".

Bàn thờ Y tổ tôn vinh hai danh y lỗi lạc của Việt Nam, là thiền sư Tuệ Tĩnh (thế kỷ 14) và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (thế kỷ 18). ẢNH: T.L

Tham quan phòng trưng bày các hiện vật bằng đá và đồng từ thời tiền sử. ẢNH: P.T.N


Bức tranh chạm gỗ "Việt Nam bách gia y", khắc họa tên tuổi 100 danh y Việt Nam từ thế kỷ 12 - 19, nặng nửa tấn. ẢNH: P.T.N
Lầu 3 của bảo tàng gồm các phòng: "Việt Nam bản thảo" (Dược liệu Việt Nam); Dụng cụ bào chế thuốc Đông y (dao cầu, thuyền tán); Mô hình nhà thuốc bắc thế kỷ 19; Bộ sưu tập hũ rượu.

Người Việt Nam đã bắt đầu phát hiện các loại cây thuốc từ thời đại các vua Hùng. Tổng số cây thuốc được phát hiện ở nước ta đến nay là 1.863 loài của 238 họ thực vật. ẢNH: P.T.N

"Việt Nam bản thảo" trưng bày hơn 300 mẫu cây thuốc, động vật và khoáng vật làm thuốc. ẢNH: T.L

Các bức tranh được tuyển tập thành “Cây thuốc Việt Nam và thế giới” của dược sĩ, họa sĩ Bùi Xuân Chương. ẢNH: P.T.N




Các dụng cụ như dao cầu và thuyền tán, dùng để cắt và tán thuốc thành bột. ẢNH: T.L

Mô hình nhà thuốc bắc thế kỷ 19, tái hiện một tiệm thuốc bắc với tủ thuốc, cân, bàn tính và các dược liệu truyền thống. ẢNH: P.T.N

Isabel Weitschies, du khách Đức cho hay mình đã sống ở Sài Gòn một thời gian và đang khám phá sâu hơn về văn hóa của vùng đất này cũng như đất nước Việt Nam. Đến thăm bảo tàng, cô chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tận mắt thấy những dụng cụ y học cổ truyền và các loại thảo dược mà trước giờ chỉ nghe nói đến. Bảo tàng này thực sự độc nhất vô nhị”. ẢNH: P.T.N
Lầu 2 của bảo tàng gồm các phòng có những bộ sưu tầm ấm chén thuốc; cân, giã thuốc; ấm sắc thuốc; bình rượu thuốc.




Các loại cân ta, cân Tây dùng trong bào chế và cân đo dược liệu. ẢNH: T.L

Các bình rượu thuốc được trưng bày.ẢNH: P.T.N

Bình rượu được trưng bày tại bảo tàng
ẢNH: P.T.N

Các loại ấm sắc thuốc được sưu tầm từ khắp Việt Nam. ẢNH: P.T.N
Lầu 1 của bảo tàng có phòng Thái y viện, mô phỏng nơi chăm sóc sức khỏe cho vua chúa và hoàng tộc, với nội thất trang trí theo phong cách cung đình.

Nội thất được trang trí theo phong cách cung đình. ẢNH: P.T.N
Tầng trệt của bảo tàng là quầy hàng lưu niệm. Tại đây, du khách có thể thưởng thức trà thảo dược miễn phí và mua các sản phẩm đông y như thuốc, trà thảo dược, rượu bổ và các sản phẩm hữu cơ.

Bảo tàng Y học cổ truyền còn thu hút người trẻ đến chụp ảnh theo phong cách cổ kính. ẢNH: MỸ DIỆP
Đại diện của bảo tàng cho hay kinh doanh dịch vụ văn hóa như bảo tàng không phải lĩnh vực đem lại lợi nhuận nhanh chóng. Thay vào đó, nó đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, trong một thời gian dài để bảo tàng có thể tồn tại.
Tuy vậy, hoạt động bảo tàng là lĩnh vực có ích cho xã hội và cộng đồng, góp phần giáo dục văn hóa cho thế hệ trẻ cũng như tuyên truyền với khách quốc tế về bản sắc văn hóa Việt Nam. Tập thể lãnh đạo và nhân viên của bảo tàng xem đây là động lực để tiếp tục duy trì và phát triển đơn vị.
Hiện nay, bảo tàng đón đa dạng khách tham quan trong và ngoài nước. Sắp tới, bảo tàng sẽ ra mắt phòng trưng bày "Sách cây thuốc thế giới", nơi lưu giữ những ấn phẩm quý giá từ nhiều quốc gia, cùng thư viện với hàng nghìn đầu sách về dược liệu bằng hơn 40 ngôn ngữ.
Theo Báo Thanh Niên